Vay thế chấp là gì? Điều kiện và thủ tục vay thế chấp ngân hàng
Vay thế chấp ngân hàng là gì?
Vay thế chấp ngân hàng là gì? Đây là hình thức vay tiền sử dụng tài sản thế chấp cho khoản vay. Tài sản thế chấp phải còn quyền lợi đối với người đi vay, cụ thể là quyền sở hữu.
Người có nhu cầu vay thế chấp khi có tài sản là xe cộ, nhà cửa, đất đai… Nếu ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay, tài sản đảm bảo vẫn thuộc quyền sở hữu của người vay nhưng ngân hàng sẽ giữ lại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.

Đặc điểm của vay thế chấp ngân hàng
Đặc điểm nổi bật của vay thế chấp ngân hàng như sau:
- Tài sản đảm bảo đa dạng: tài sản thế chấp là tài sản có giá trị được ngân hàng thẩm định như ô tô, hàng hóa luân chuyển, sổ đỏ, sổ hồng, thiết bị, máy móc, nhà cửa…
- Thời gian vay thế chấp linh hoạt tùy theo nhu cầu của người vay, có thể kéo dài tới 25 năm
- Lãi suất: mức lãi suất vay thế chấp thấp hơn so với vay tín chấp
- Hạn mức cho vay lên tới 70 - 100% giá trị tài sản thế chấp
- Người đi vay có quyền sở hữu và sử dụng tài sản, ngân hàng chỉ giữ lại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu
Căn cứ vào đặc điểm kinh doanh, mỗi ngân hàng đưa ra thêm những yêu cầu khác ngoài yêu cầu về tài sản thế chấp để xét duyệt cho vay.
Có nên vay thế chấp ngân hàng không?
Lựa vay thế chấp ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được nhiều lợi ích như sau:
- Hạn mức vay lớn: Tùy thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo, số tiền vay có thể lên tới hàng tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng như mua nhà, sửa chữa nhà cửa, đầu tư, kinh doanh…
- Thời gian vay dài, giảm áp lực tài chính: Thời gian cho vay có thể kéo dài đến 25 năm với mức lãi suất giảm dần. Do đó, người vay sẽ giảm được áp lực tài chính, có nhiều thời gian để cân đối và trả nợ
- Hình thức thanh toán linh hoạt: Người vay có thể trả lãi theo tháng, quý hoặc năm; tiền gốc trả một lần hoặc trả nhiều đợt
- Tài sản đảm bảo vẫn thuộc quyền sở hữu của người đi vay
Chính vì vậy, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn vay thế chấp ngân hàng khi có nhu cầu.
Các loại lãi suất vay thế chấp ngân hàng
Vay thế chấp ngân hàng nào rẻ nhất? Vay thế chấp ngân hàng nào tốt nhất? Để trả lời các câu hỏi trên, khách hàng cần hiểu rõ về lãi suất ngân hàng. Vậy vay thế chấp ngân hàng lãi suất bao nhiêu?
Hiện nay, hình thức vay thế chấp ngân hàng có 3 loại lãi suất, bao gồm lãi suất cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất hỗn hợp. Mỗi loại lãi suất có cách tính khác nhau. Cụ thể:
Lãi suất thả nổi
Đây là loại lãi suất có giá trị thay đổi tùy thuộc vào chính sách và quy định của ngân hàng theo từng giai đoạn. Thông thường, các ngân hàng sẽ điều chỉnh mức lãi suất định kỳ 3 hoặc 6 tháng/ lần
Công thức tính như sau:
Lãi suất thả nổi = Biên độ lãi suất + Lãi suất cơ sở
Số tiền lãi mỗi tháng = Số tiền vay thế chấp x Lãi suất thả nổi (%/tháng)
Lãi suất cơ sở thường là lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 12, 13 hoặc 24 tháng, lĩnh lãi ở cuối kỳ hạn. Biên độ lãi suất không thay đổi trong thời hạn vay vốn và được ghi rõ trong hợp đồng vay thế chấp ngân hàng.
So với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi có thể tăng và giảm tùy thuộc vào chính sách ngân hàng và lãi suất thị trường ở thời điểm đó. Khoản vay có thể gặp nhiều rủi ro nếu áp dụng lãi suất thả nổi.
Lãi suất cố định
Đây là loại lãi suất vay thế chấp ngân hàng có giá trị không đổi trong suốt thời gian vay. Công thức tính như sau:
Tiền lãi hàng tháng = Số tiền vay thế chấp x Lãi suất cố định (%/năm) / 12
Lãi suất hỗn hợp
Đây là loại lãi suất vay thế chấp được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm cả lãi suất thả nổi và lãi suất cố định. Thông thường, các ngân hàng áp dụng mức lãi suất cố định trong 3, 6, 12, 18 hoặc 14 tháng tùy theo gói vay. Sau khoảng thời gian trên, lãi suất thả nổi sẽ được áp dụng.
Công thức tính lãi suất hỗn hợp được tính theo công thức tính lãi suất thả nổi hay lãi suất cố định phụ thuộc vào từng thời điểm. Loại lãi suất này vừa có tính biến động của lãi suất thả nổi, vừa có tính ổn định của lãi suất cố định. Bên cạnh đó, lãi suất hỗn hợp có độ rủi ro thấp hơn lãi suất thả nổi nhưng cao hơn so với lãi suất cố định.